RSS

Sức mạnh của khoảng trống

Có một câu chuyện kể có một người cha mua cho con trai mình một trái bóng bay đẹp . Cậu con trai vui sướng cầm trái bóng đi bên cha nhưng chẳng may lỡ tay tuột mất sợi dây khiến trái bóng bay vụt đi.

Ảnh minh họa. Nguồn: Graffiti của Banksy
Thấy con tiếc nuối, đau khổ nhìn theo trái bóng bay xa dần, người cha an ủi : “Đừng buồn con ạ, cha sẽ mua cho con một trái bóng khác”. Lát sau, cậu bé vui vẻ vơi trái bóng mới, không còn nghĩ ngợi gì tới trái bóng đã mất nữa. Câu chuyện kết thúc với lời bàn rằng, đó là một người cha giàu có, nhưng đứa con của ông rồi sẽ nghèo túng về tinh thần.
Trong ánh mắt của đứa trẻ nhìn theo trái bóng bay xa dần có một bầu trời phóng nhiệm. Đó là khi đứa trẻ có thể bắt đầu có những cảm nhận mơ hồ nhưng rất trực quan về sự rộng lớn của thế giới, từ đó nhận ra sự hữu hạn của bản thân mình. Thế nhưng, người cha của cậu bé đã vô tình phá vỡ không gian phóng nhiệm này.

Can thiệp một cách vô thức một cách có hệ thống
Người cha ấy cũng như đa số người lớn chúng ta thường sợ hãi trước sự trống trải trong tâm tưởng và gán cho nó ý nghĩa tiêu cực. Chúng ta xua đuổi nó bằng cách tự làm bận rộn bản thân mình với những suy nghĩ tính toán lấp đầy trong tâm trí. Tương tự như vậy, chúng ta tìm cách xua đuổi sự trống trải khỏi đầu óc con trẻ, lấp đầy tâm trí của chúng bằng những món đồ chơi. Mà nếu để ý ta thấy rằng hầu hết các món đồ chơi – từ búp bê bé xinh tới chiếc ô tô bằng nhựa nho nhỏ – đều chỉ nhằm thu nhỏ không gian trong tâm trí đứa trẻ, tạo cho nó cảm giác mình đang xâm chiếm và làm chủ không gian riêng một cách tuyệt đối.
Tạo hóa đã ban cho con người bản năng thiên tính là cảm giác nhàm chán, nhằm giúp ta vượt thoát ra khỏi những không gian giả tạm chật hẹp. Bởi vậy, dù món đồ chơi có tinh xảo đến đâu thì đứa trẻ sớm muộn sẽ cảm thấy nhàm chán và không còn thỏa mãn với không gian hẹp mà món đồ chơi xinh xắn mang lại. Sự trống trải xâm nhập tâm trí nó, ngầm nhắc nhở rằng ở ngoài kia là một không gian rộng lớn hơn, thật hơn, tự nhiên hơn, mà sớm muộn nó phải đối diện và tìm cách thích nghi. Thế nhưng, người lớn không cho con trẻ cơ hội được thích nghi với không gian rộng lớn xa lạ ấy. Họ xua đi nỗi nhàm chán và nỗi trống trải trong đứa trẻ bằng cách tiếp tục mua về những món đồ chơi mới, cái sau cuốn hút hơn cái trước.
Cứ như vậy, đứa trẻ trở nên nghiện cảm giác lấp đầy tâm trí. Tới một ngày kia nó chủ động tự làm bận rộn tâm trí của mình với những cám dỗ từ trò chơi điện tử, phim hoạt hình, sách comic và manga, v.v. Mặc dù các ông bố bà mẹ vẫn có thể tạo cơ hội để trẻ tìm thấy những khoảng trống (hay khoảng lặng) cần thiết, được khơi gợi trong những cuốn sách văn học phù hợp với lứa tuổi của mình. Nhưng sách văn học vốn khó cuốn hút trẻ như những thứ cám dỗ khác, và không phải ông bố bà mẹ nào cũng có thói quen chọn lọc sách đọc cho con hoặc đọc sách cùng con.
Ở góc nhìn tổng quát hơn, có thể thấy việc người lớn can thiệp vào khoảng trống trong tinh thần trẻ em là một quá trình vô thức và mang tính hệ thống. Ngay từ khi đứa trẻ chớm hình thành nhận thức, người lớn luôn tìm cách đáp ứng mọi đòi hỏi của trẻ một cách nhanh chóng nhất. Mỗi khi đứa trẻ gặp phải áp lực từ một khoảng trống trong tâm tưởng, nó sẽ đưa ra một đòi hỏi nào đó mà thường thì đơn thuần chỉ nhằm giành được sự quan tâm từ người lớn để xua đi khoảng trống mà nó đang phải đối diện.
Thế nhưng một đứa trẻ luôn được đáp ứng các đòi hỏi sẽ dễ nhàm chán với những gì mình đang có, và giải pháp để nó đối phó với sự nhàm chán ấy là tiếp tục cầu viện những sự trợ giúp từ bên ngoài. Tâm trí của đứa trẻ bị bế tắc trong những chuỗi đòi hỏi liên tục và mất đi khả năng vượt qua khoảng trống một cách tự thân. Đứa trẻ sẽ dễ trở nên chán nản, dẫn tới bỏ cuộc trước các vướng mắc, bế tắc trong cuộc sống. Nó cũng sẽ không đủ lòng kiên nhẫn để trải nghiệm các sự vật một cách thấu đáo, và điều này làm hạn chế năng lực thấu hiểu, đồng cảm với con người và các sự vật xung quanh.
Kiến tạo không gian để vượt qua khoảng trống
Tự thân vượt qua khoảng trống chính là một phần trong quá trình phát triển tự nhiên của mỗi con người. Nó là sự tự định vị bản thân mình nhằm vượt qua sự bối rối và hẫng hụt ban đầu khi phải đối diện với khoảng trống. Vào khoảnh khắc trái bóng của cậu bé trong câu chuyện bay vút lên không trung, hay khi một đứa trẻ nào khác đánh mất món đồ chơi yêu thích, hoặc đơn giản khi nào chúng gặp điều gì đó không vừa ý – một cú ngã khi đang chơi đùa chẳng hạn – đó là khi chúng đối diện với một thực tế mới mà chúng chưa quen trải nghiệm, một không gian xa lạ với đầy những biến hóa nằm ngoài những gì đã quen biết. Ngay trong khoảnh khắc bối rối ấy, bản năng tự nhiên của con người trỗi dậy thúc đẩy đứa trẻ tự định vị bản thân, đối diện với không gian xa lạ trước mặt, và tìm cách tương tác với nó nhằm đạt được một vị thế hài hòa cân bằng.
Song hành với việc tự định vị bản thân là tiến trình tự lấp đầy khoảng trống bằng cách xây dựng cho mình một không gian nội tâm phong phú riêng. Khi đứa trẻ lắng nghe câu chuyện cổ tích, hay khi chơi cùng những món đồ chơi, đó là khi chúng đang hình thành trong tâm trí những không gian nội tâm, với các sự vật giả tưởng và xúc cảm cá nhân gắn với những sự vật ấy. Đây là một quá trình vừa tự xây, vừa tự khám phá, và liên tục được bồi bổ từ những thông tin thu nhận được trong thực tế đời sống, mà ẩn trong quá trình đó là hình dung của đứa trẻ về bản thân nó trong thế giới.
Một thế giới nội tâm khỏe khoắn lành mạnh đòi hỏi hai yếu tố. Một là nó đủ độ phong phú để giúp đứa trẻ vượt qua áp lực từ khoảng trống mà không cần đến sự trợ giúp từ bên ngoài, đặc biệt là những can thiệp quá độ từ người lớn. Hai là nó không quá méo mó xa rời thực tế, mà phản ánh được những quy luật căn bản của đời sống, bao hàm những giá trị cần thiết như lòng yêu cái thiện, sự trung thực, lòng dũng cảm, v.v. Trong thế giới nội tâm ấy, khoảng trống không nhất thiết bị loại trừ, thậm chí cần có những khoảng trống không bao giờ nên vượt qua. Chúng chính là yếu tố giúp nuôi dưỡng ý thức cầu tiến vươn lên, những khát vọng hoài bão chinh phục các mục tiêu chưa đạt tới.
Khả năng tự tạo lập không gian một cách phong phú trong nội tâm để tự định vị mình trước những hoàn cảnh mới là chìa khóa để trẻ vững bước vào đời. Đồng thời, nó cũng là cơ sở để trẻ thấu hiểu và đồng cảm với thế giới.
Cây cầu bắc tới sự đồng cảm
Khác với quan điểm của nhà giáo dục Phạm Toàn cho rằng cần tạo ra năng lực đồng cảm ở trẻ em trước khi hướng dẫn chúng tưởng tượng về các sự vật1, người viết bài này cho rằng năng lực đồng cảm là hệ quả của năng lực hình dung ra các không gian. Nếu chúng ta không hình dung ra những không gian liên quan tới một đối tượng, thì không thể có sự đồng cảm thực sự với đối tượng đó.
Cảm xúc của chúng ta về một cá nhân nào đấy không thể được khơi dậy đơn thuần từ những thông tin về tuổi tác, nguyên quán, nghề nghiệp, v.v, mà phải từ thân phận của người ấy, hay nói cách khác là vị thế của người đó trong không gian2, bao gồm các không gian vây bọc bên ngoài đối tượng (địa điểm, thời gian, bối cảnh, v.v) và không gian nội tâm bên trong nhân vật. Và để có những xúc cảm thấm thía hơn, chúng ta phải xâm nhập được vào khoảng trống trong tâm can họ, để biết được họ đã nỗ lực vượt qua áp lực từ khoảng trống ấy như thế nào. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều các tác phẩm văn học hay điện ảnh thường tạo ra mối đồng cảm gắn kết giữa công chúng độc giả với nhân vật bằng cách đẩy nhân vật vào giữa những khoảng trống đầy bất trắc và phải tìm mọi cách, mọi nỗ lực để vượt qua khoảng trống ấy nhằm tìm ra chỗ đứng của mình trong thế giới.
Bởi vậy, yếu tố làm toát lên thần thái của những cậu bé đánh giày, bà lão nhặt phế liệu, và cũng là điều khơi dậy xúc cảm thấm thía trong chúng ta, không hẳn là ở những mô tả về sự vất vả nhọc nhằn hay những lo toan thường nhật của nhân vật, mà đôi khi lại chính là niềm vui, niềm hi vọng nhỏ bé đơn sơ của họ lóe lên sau những nỗ lực bền bỉ dồn nén. Hay yếu tố làm toát lên thần thái một người mẹ chưa chắc nằm ở những nỗ lực kiên trì chăm lo cho con cái mỗi ngày, mà đôi khi lại gói trọn trong một nét cười thoáng qua trên khóe mắt chớm có nếp nhăn.
Thời khắc con người đối diện với khoảng trống của số phận và chớm vượt qua nó bằng sức mạnh tinh thần cũng chính là lúc phẩm chất người được toát lên mạnh mẽ nhất, và khiến chúng ta đồng cảm hơn hết. Đó cũng là lý do khiến những bản nhạc không lời, tuyệt chẳng có câu từ nào, chỉ đơn thuần gợi lên ấn tượng mơ hồ về vị thế của chủ thể trong các dạng không gian, thời gian, nhưng vẫn có thể để lại trong lòng người nghe sự lắng đọng da diết.
Trả lại khoảng trống cho các em
Bạn đọc có thể hỏi làm sao trẻ em có thể cảm nhận được những sắc thái tinh tế nói trên? Câu trả lời là, năng lực cảm nhận của trẻ em tinh tế hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Chẳng thế mà trong vô số những lữ khách đi qua ga tàu điện ngầm ở New York, người dành sự quan tâm đáng kể đầu tiên tới bài biểu diễn của nghệ sỹ violon tài danh Joshua Bell là một em bé 3 tuổi3.
Để tạo điều kiện giúp trẻ em phát huy và phát triển năng lực cảm nhận, hãy trả lại cho các em những khoảng trống để các em tự định vị mình và thích nghi với các môi trường khác nhau. Khi trẻ đối diện với áp lực từ khoảng trống trong tâm tưởng và đưa ra các đòi hỏi, không nên đáp ứng những đòi hỏi này ngay tức khắc. Sự bao bọc dỗ dành này của người lớn nhằm giúp trẻ đi đường tắt quay về trạng thái an toàn ban đầu sẽ chỉ khiến đứa trẻ trở nên bị động và nảy sinh tâm lý phòng thủ, tự tạo ra rào cản cho mình trong cuộc sống. Có chăng, người lớn chỉ nên cùng trò chuyện, thúc đẩy trẻ vượt qua cảm giác hẫng hụt tạm thời bằng cách tiếp tục khám phá, tìm kiếm, nhận biết những điều tích cực trong một không gian rộng mở hơn.
Chẳng hạn, thay vì hứa hẹn mua bóng mới cho con, người cha trong câu chuyện có thể trò chuyện với con về những sự vật xung quanh trái bóng, những tán cây xanh, nóc nhà rêu mốc, những ô cửa sổ bí ẩn, về một em bé vô danh nào đó trong tưởng tượng nhặt được trái bóng sẽ trân trọng và trở thành bạn thân của trái bóng ra sao, v.v. Mục đích chính của những lời trò chuyện ấy từ người cha không nhằm an ủi em bé, mà chủ yếu kích thích trí tưởng tượng của con trẻ, tạo ra thói quen kiến tạo không gian trong tâm tưởng ở mọi tình huống, điều sẽ giúp em tự lực vượt qua khoảng trống trong những lần tiếp theo.
Khi mà những món đồ chơi đã mất đi ánh hào quang long lanh ban đầu và trở nên nhàm chán, người lớn không nên tìm cách lấp đầy khoảng trống trong trẻ bằng cách mua tiếp những món đồ chơi mới, mà hãy cùng trẻ chơi với những món đồ chơi cũ, trò chuyện và gợi mở để trẻ xây dựng một không gian mới trong tâm tưởng, trong đó các đồ vật tưởng chừng như cũ kỹ nhàm chán được trẻ phân công cho những vai diễn mới, qua đó tạo ra một hệ thống những xúc cảm mới từ những đồ chơi cũ.
Đọc sách cùng con trẻ là biện pháp tuyệt vời để giúp trẻ thoát ra ngoài cái tôi cố hữu, tự hình dung bản thân trong những không gian bên ngoài mình, sống trong những cuộc đời khác, tâm thế khác, giúp hình thành trong các em cái nhìn sâu và rộng hơn trước mọi sự vật. Bên cạnh đó, hãy thường xuyên đặt thật nhiều câu hỏi về không gian, thời gian của các đối tượng mà các em có thể quan sát trong đời thực, hình dung suy nghĩ, xúc cảm của các nhân vật và yêu cầu các em biểu đạt những xúc cảm này. Việc biểu đạt không nhất thiết bằng ngôn từ mà có thể bằng ngôn ngữ tạo hình, ví dụ có thể yêu cầu các em nói về ấn tượng sâu đậm nhất đối với một sự vật nào đó, và yêu cầu vẽ lại đúng theo ấn tượng mà các em hình dung. Không gì kích thích trí tưởng tượng và năng lực tự định vị bản thân ở trẻ em hơn việc diễn đạt bằng hình vẽ, màu sắc trên trang giấy trắng.
Cuối cùng là dạy trẻ gắn kết bản thân mình với thế giới. Khi đứa trẻ trong trạng thái buồn chán, hoặc tỏ thái độ cố thủ trong thế giới riêng của mình và không muốn giao lưu, kết nối với bên ngoài, thì hãy tìm cách mở rộng thế giới của các em. Hướng dẫn các em tập thể dục, chăm sóc người thân, hoặc làm những việc nhà trong gia đình. Đây đều là những cách thức hiệu quả giúp tăng cường năng lực tự định vị bản thân, sự nhận biết cuộc sống một cách khách quan hơn. Dạy trẻ cảm nhận những tín hiệu trong lành của đời sống, như hơi thở của chính mình, hơi thở của người thân, để giúp các em sống trong tâm thế tự chủ, cảm thấy rõ hơn sự hiện hữu của bản thân mình và mối gắn kết với không gian xung quanh.
Chúng ta thực hiện điều này và lắng nghe mỗi ngày. Khi trong từng lời nói, câu chào, những hành vi sinh hoạt thông thường nhất, có những chuyển biến tích cực về sắc thái biểu cảm; khi những tương tác hằng ngày trở nên tự nhiên hơn, giảm đi những ràng buộc ước lệ; khi những thay đổi trong đời sống được thích nghi bằng tinh thần đối diện và khám phá thay vì lảng tránh, cố thủ, thì đó là căn cứ rõ ràng cho thấy các em đã gắn kết và thích nghi tốt hơn với thế giới xung quanh mình.
Nguồn: Tia sáng

Trò chơi không cần đồ chơi

Không tốn nhiều tiền với các loại đồ chơi, dành thời gian cho con, bé và cả chính bạn nữa sẽ học được rất nhiều điều thú vị!
 Khám phá công dụng mới của những đồ vật quen
 Dựng một tấm chăn để làm pháo đài và chơi với bé trong đó. Điều này cần rất nhiều trí tưởng tượng và có thể bạn sẽ mất cả một buổi chiều để chơi với bé, tuy nhiên, lợi ích mà bạn thu về thì không hề nhỏ chút nào. Hoặc bạn cũng có thể lật ngược chiếc bàn lên để giả vờ làm thuyền cho bé cùng chơi.
 Hãy tận dụng tất cả những đồ vật trong nhà để đưa vào một trò chơi tưởng tượng. Bé có thể đặt lại tên cho các đồ vật, tạo cho chúng những công dụng mới. Càng chơi nhiều, não của bé càng được kích thích và có những sáng tạo tuyệt vời.
Làm ảnh nghệ thuật những ngày mưa
 Thu lượm những vật dụng gia đình như nút bấm, các mảng giấy màu sắc, nắp chai, những chiếu hộp nhỏ. Cung cấp cho bé băng dính, keo dán và 1 mảnh bìa các - tông. Chỉ bằng đó thứ, bạn đã đủ để bé vui chơi và sáng tạo khi trời mưa, bé không ra ngoài được. Bé sẽ cắt dán và sáng tạo bức tranh nghệ thuật của riêng mình. Hãy khuyến khích bé nói về những thứ mình đang làm. Đặt các câu hỏi mở: “Đây là cái gì?”, “Con thích gì nhất trong bức tranh này?”, “Bức tranh này có thể thêm cái gì vào được nữa không?”. Hãy nhớ rằng, sáng tạo là cả một quá trình chứ không chỉ nằm ở sản phẩm cuối cùng. Hãy luôn động viên bé mạnh dạn nói ra và làm những thứ mình nghĩ.

Cùng bé tìm hiểu khi chờ đợi
Khoảng thời gian bé chời đợi trong văn phòng của nha sĩ hay trước bữa ăn trong nhà hàng rất thích hợp để chơi một số trò giả tưởng như:
+ Trò “Nếu”: Đặt giả thiết và hỏi bé xem điều gì sẽ xảy ra “Nếu mỗi gia đình có một chiếc tàu không gian?” hoặc “Bé sẽ xây nhà như thế nào nếu sống trên một hòn đảo nhiệt đới?”
+ Trò lựa chọn “Hoặc/hay là”: Bạn đưa ra một vài những sự lựa chọn khác nhau như: “Con thích sống trên sa mạc hay trên đỉnh núi?”, “Con thích thăm Bắc cực hay Đại dương”?. Hãy khuyến khích bé trả lời và sáng tạo ra nhiều câu hỏi.
+ Trò “Bào chữa tưởng tượng”: Đặt giả thiết một hôm nào đó, bạn không làm những công việc thường ngày của mình, hãy cùng bé tưởng tượng và đưa ra những lý do giải thích cho việc đó. Ví dụ: “Tôi không đi đổ rác được vì có con rắn độc ở sân sau”.
Không chỉ giúp bé phát huy tính sáng tạo và tư duy logic. Câu trả lời của bé có thể khiến chính bạn cũng phải thấy thú vị, ngạc nhiên và nhận ra đôi khi trẻ em còn thông minh hơn người lớn.

Vừa đi đường vừa chơi trò chơi
  Bạn và bé về nhà từ những nơi quen thuộc như trường học, cửa hàng tạp hóa, hãy yêu cầu bé suy nghĩ tìm những cách khác nhau để về nhà. Điều này không chỉ đơn thuần là tìm một con đường khác mà nó còn giúp bé tưởng tượng, suy nghĩ nhiều khả năng xảy ra cho một tình huống cụ thể. Bạn có thể đặt những câu hỏi mở để gợi ý cho bé như: Con muốn đi bằng xe gì? Xe đạp, xe máy, ô tô hay thậm chí là máy bay trực thăng? Trả lời và bàn luận về những thức đó, bé sẽ được kích thích để sáng tạo và hào hứng với những ý tưởng của bản thân. Công việc sáng tạo chính là giúp bé tìm kiếm nhiều giải pháp cho một vấn đề, và đôi khi, chính những suy nghĩ kì dị tưởng như không thể lại trở thành những phát minh vĩ đại.
  Lúc đi bộ về nhà cũng là cơ hội để bạn giúp bé xây dựng óc quan sát và trí tưởng tượng. Bạn có thể yêu cầu bé quan sát và chỉ ra năm thứ mới trên đoạn đường quen thuộc, năm thứ cần sửa chữa hoặc yêu cầu bé tả về năm thứ mà bạn và bé vừa đi qua. Khi đi qua những ngôi nhà, hãy cùng bé dự đoán xem ai đang sống trong nhà, một cặp vợ chồng lớn tuổi, những con mèo hay có những người ngoài hành tinh sống trong đó?

Tôn trọng nỗ lực sáng tạo của trẻ
 Những gì bé cho là hấp dẫn chưa hẳn là điều người lớn cho là bổ ích và ngược lại, những gì bạn cho rằng đó thực sự là một bức tranh trừu tượng tuyệt vời thì đối với bé, đó chỉ là nhũng dải màu xanh đỏ vô vị. Nghiên cứu chỉ ra rằng con người sẽ sáng tạo hơn khi họ không bị áp lực về kết quả cuối cùng hay bị đánh giá như thế nào. Bởi thế, khi bé mang sản phẩm từ trường học về nhà hay làm những bức hình ở nhà để khoe với bạn, bạn không nên có phản ứng chê bai hay tỏ ra không hài lòng. Hãy hỏi tại sao bé lại thích những thứ đó, kiên nhẫn và chú ý lắng nghe. Điều này sẽ làm cho bé thấy thành qua lao động của mình được tôn trọng và sẽ có động lực để sáng tạo và cố gắng nhiều hơn.
Theo Sức khỏe Gia đình

Chuyện con mèo dạy hải âu bay - Câu chuyện bay bổng, giàu nhân văn

“Chúng ta đã bảo vệ con từ khoảnh khắc con mổ vỡ lớp vỏ trứng ra đời. Chúng ta đã dành cho con sự chăm sóc mà không hề nghĩ tới việc biến con thành một con mèo. Chúng ta yêu con như yêu một con hải âu. Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn, và con đã giúp chúng ta làm được điều đó. Con là chim hải âu, và con phải sống cuộc đời của một con hải âu. Con phải bay.”

Đó là lời của con mèo mun, to đùng, mập ú Zorba với cô nàng hải âu non bé bỏng đã được cộng đồng mèo ở bến cảng Hamburg chăm sóc và bảo vệ từ khi trứng nước. Câu chuyện thấm đẫm tình mèo và tình người này là một kiệt tác dành cho thiếu nhi của Luis Sepúlveda, một trong những nhà văn xuất sắc nhất Chi Lê hiện nay. Một câu chuyện khiến tâm hồn nở hoa, một thế giới vẹn nguyên, trong sáng và nhân hậu sâu xa, một cuốn sách như viên ngọc khó tìm, dành cho mọi trẻ em và người lớn…


“Một câu chuyện đầy cuốn hút về lòng tận tâm và tầm quan trọng của việc giữ lời hứa.” - Publisher Weekly

Khi tình yêu cất cánh, một con mèo mun sẽ kiềm chế bản năng mà không ăn một quả trứng. Mèo cũng vì tình thương và lòng tự trọng của... “một con mèo” để ấp cái trứng lạ cho đến ngày nó mổ vỏ chui ra và gọi mèo là “má!”.
Khi tình yêu cất cánh, cả một bầy mèo có thể đồng tâm hiệp lực lấy chữ tín và “danh dự của nhà mèo” để bảo vệ tính mạng chim hải âu và làm được những việc phi thường.
Chuyện con mèo dạy hải âu bay chứa đựng cả một xã hội sinh động: mèo mập Zorba nghĩa hiệp, đại tá Bóng đêm quản lý an ninh trong cộng đồng mèo tại bến cảng, Einstein thông thái nhưng chuộng lý thuyết, mèo Bốn Biển từng trải, biết lẽ phải. Mọi rắc rối bắt đầu vào ngày hải âu mẹ Kengah đáp cánh xuống bancông nhà Zorba. Trước khi lìa đời, Kengah nhờ Zorba thực hiện ba lời hứa với cái trứng mà cô mới vừa đẻ: một là không ăn cái trứng, hai là ấp cho trứng nở và ba là tập bay cho hải âu con. Buộc một con mèo không ăn trứng chim là một điều kinh khủng, mèo mà phải chăm sóc chim non còn là một thử thách lớn hơn, nhưng dạy cho nó biết bay là điều vô vọng. Vậy mà Zorba –một con mèo trung thực và thủ tín đã nhận lãnh trách nhiệm.



Luis Sepúlveda đã đưa các nhân vật của mình vào những tình huống lạ thường: mèo ấp trứng, chịu khó tập aerobic giảm cân để bắt ruồi cho hải âu con, nghiên cứu cả sách của Leonardo Da Vinci và tìm cách dạy bay cho hải âu, rồi chuyện đi tìm giới tính cho chim con - điều không được Bách khoa toàn thư của mèo Einstein nhắc đến, chuyện thương thảo với lũ chuột không được động đến chim non.
Quả trứng đẻ vội trước khi chết của một con hải âu dính váng dầu đã được trao gởi, ấp, nở bởi một con mèo. Và tình mẫu tử đã nảy sinh giữa con mèo với chú chim hải âu con bé bỏng, tha thiết đến độ chú chim non quên cả chuyện tập bay, nó đinh ninh mình là một con mèo. Câu hỏi đặt ra: những con mèo phải làm sao để chú chim hải âu non hiểu rằng “gốc gác” của nó là hải âu?
Con mèo mun mập ú đã đi đến tình huống phải giảng giải với “con gái” mình: “Chúng ta yêu con bởi vì con là một con hải âu. Một con hải âu xinh đẹp. Chúng ta chưa từng phủ nhận khi nghe con nói con là mèo, bởi điều đó an ủi chúng ta rằng con muốn giống chúng ta, nhưng con khác với chúng ta và chúng ta vui với sự khác biệt đó. Chúng ta đã không cứu được mẹ con, nhưng chúng ta có thể giúp con. Chúng ta đã bảo vệ con từ khoảnh khắc con mổ vỡ lớp vỏ trứng ra đời. Chúng ta đã dành cho con sự chăm sóc mà không hề nghĩ tới việc biến con trở thành một con mèo. Chúng ta yêu con như yêu một con hải âu. Chúng ta cảm thấy con cũng yêu chúng ta như vậy, chúng ta là bạn con, là gia đình của con, và chúng ta muốn con biết rằng nhờ con, chúng ta đã học được một điều đáng tự hào: chúng ta học được cách trân trọng, quý mến và yêu thương một kẻ không giống chúng ta! Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thật sự rất khó khăn, và con đã giúp chúng ta hiểu được điều đó. Con là chim hải âu, và con phải sống cuộc đời của một con hải âu. Con phải bay”.

Khi tập bay cho chim hải âu Lucky là đồng ý để Lucky về với trời và biển, là mất Lucky khỏi vòng tay bảo bọc của mình nhưng bầy mèo vẫn thực hiện lời hứa, vì yêu thương một ai đó là mong muốn họ được tự do. “Thật dễ dàng để chấp nhận và thương yêu một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thật sự là một điều rất khó khăn”. Thông điệp yêu thương giản dị của quyển sách đã thêu dệt nên một thế giới loài vật đầy ắp tình thương, vượt qua những quy tắc, bản năng. Quyển sách mang lời văn nhẹ nhàng, triết lý nhân văn sâu sắc và đậm chất giáo dục. Rằng, ở đâu đó trên mặt đất này, có một con mèo đực và một con mèo cái đã hợp tác với một anh chàng thi sĩ làm cho một chú hải âu con biết bay. Và quan trọng hơn, “họ” đã làm cho một con chim nhớ mình là chim, chứ không phải là… mèo!

Một truyện có chất ngụ ngôn hiện đại. Nhưng xa hơn tính ngụ ngôn dân gian, nó tạo ra nhiều kịch tính và các chiều diễn tiến tâm lý, được kể với một giọng dí dỏm và đầy rung cảm giữa một thế giới mà loài vật sống chung với nhau, yêu thương bảo vệ nhau. Chúng không ngừng nghĩ về con người. Không ngừng đặt ra các câu hỏi về môi trường sống mà con người đang tác động có ảnh hưởng đến chúng, cả chiến tranh và sự bất đồng ngôn ngữ trong thế giới loài người…
Thế giới được trả về đúng như tự nhiên của nó khi con hải âu non cất cánh bay trên vùng trời tự do. Nó phải trở về với bản nguyên giống loài của mình, với bầu trời phóng khoáng sau khi trải nghiệm tình yêu thương nơi cái góc cảng trên mặt đất. Nó không ám ảnh bởi cái chật chội hẹp hòi của bọn chuột mưu toan, con đười ươi xấu tính hay những kẻ gây ô nhiễm mặt biển, mà sẽ ghi tâm những lòng tốt, khát vọng tự do của một anh thi sĩ làm thơ cho thế giới tâm hồn thêm bay bổng, những con mèo dám làm cái công việc không dành cho loài mèo để bảo vệ sự sống của những giống loài khác!
Cuốn sách văn chương bay bổng và có minh hoạ sống động này có thể giúp cho cái nhìn của trẻ em chúng ta tươi mới, tinh tế và nhân hậu hơn khi cảm nhận vạn vật. Và quan trọng hơn, nó gợi mở những cuộc du hành bất tận vào cái không gian thiên nhiên đầy khai phóng, vượt thoát cho trí tưởng tượng, từ đó, độ lượng, nhân ái hơn trong những mối quan hệ với “người khác mình” ở trong đời sống này.


Nguồn: Internet

4 câu nói sai lầm khi dạy con về tiền

 “Lần khác mẹ sẽ mua cho”, “con chưa đủ tuổi để mua cái này”, “nhà mình hết tiền rồi, con có biết bố mẹ kiếm tiền vất vả khổ sở thế nào không” ... là những câu nói sai lầm phổ biến của cha mẹ Việt khi dạy con về tiền.

Ảnh minh họa: Internet.

 “Lần khác bố/ mẹ sẽ mua cho”
Trong một buổi tọa đàm Dạy con về tài chính, các em học sinh tiểu học khi được hỏi “Bố mẹ thường nói gì khi từ  chối con mua món đồ gì đó” đều trả  lời rằng: “Bố/ mẹ con nói lần khác mẹ sẽ  mua cho.” Nhưng khi phóng viên tiếp tục hỏi “Mẹ  có nói lần khác là lần nào không” thì  các bé đều lắc đầu.
Dễ dàng thấy rằng “Lần khác mẹ sẽ mua” là câu trả lời phổ biến của nhiều phụ huynh khi không đồng ý mua cho con một món đồ nào đó. Ths Trần Thị Ái Liên cho rằng đó là kế hoãn binh không lý do của người lớn, đưa ra kế hoạch nhưng không thực hiện, không nói rõ ngày nào tháng nào, làm sao để đạt được mục tiêu đó. “Điều này sẽ khiến trẻ quen với việc chung chung mơ hồ, không chuẩn xác. Thay vì hứa hẹn suông, bố mẹ nên có kế hoạch cụ thể: bao giờ sẽ mua, cần bao nhiêu tiền để mua nó, để mua được cần thu xếp tài chính như thế nào, con có thể tham gia ra sao...

“Nhà mình không có tiền”
“Không có tiền” có thể là lý do thực sự để bố mẹ từ chối mua một món đồ cần thiết, nhưng cũng có thể là cách nói nhanh chóng, “cho qua chuyện”, để con không kì kèo đòi một thứ mà bố mẹ cho rằng chưa cần thiết phải mua.
Trả lời thường xuyên như vậy với con sẽ  khiến con suy nghĩ rằng: Không có tiền thì  từ bỏ kế hoạch, không được thì bỏ  cuộc. Theo Ths Trần Thị Ái Liên, nếu đó là  món đồ cần thiết của gia đình, cha mẹ nên trao đổi với con rằng: “hiện tại nhà mình chưa có tiền nên chưa mua được, nhưng nhà mình sẽ tiết kiệm để mua vào tháng 11 tới/ đầu năm tới... Để được như vậy, mình sẽ làm như thế này...., con thấy sao?”

“Con còn nhỏ, chưa đủ tuổi để dùng cái này!”
Con còn nhỏ, chưa đủ tuổi để mua chiếc xe đạp này, bộ truyện kia... là một câu trả lời quen thuộc của bố mẹ khi giải thích việc không mua món đồ nào đó. Cách nói này sẽ khiến con cảm thấy rằng “còn nhỏ sao mà khổ, mình mong lớn nhanh, mong đủ tuổi để làm cái này cái kia...”
“Tương tự như vậy với nhiều tình huống trong cuộc sống, nếu cha mẹ thường xuyên giao tiếp với con theo cách “con còn nhỏ chưa được...” “con phải lớn, con mới...” sẽ vô tình làm con đánh mất tuổi thơ!” – Ths Trần Thị Ái Liên nhận định.

“Con có biết bố mẹ kiếm tiền vất vả, khổ sở thế nào không?!”
Một số bố mẹ than thở như vậy khi con xin tiền hoặc bày tỏ mong muốn có áo quần hay đồ dùng mới.
Theo Ths Trần Thị Ái Liên, cha mẹ cần để con hiểu rằng cha mẹ nỗ lực và vất vả để kiếm tiền, từ đó con trân trọng đồng tiền mà cha mẹ làm ra, trân quý những thứ con có. Tuy nhiên, việc thường xuyên than thở và thể hiện cảm xúc tiêu cực như trên sẽ khiến con cảm thấy kiếm tiền là điều vô cùng khó khăn, mệt mỏi, có thái độ tiêu cực với việc kiếm tiền sau này.

Cần trao đổi, giải thích cụ thể  với con, cùng con đưa ra các quyết định về tài chính
Cha mẹ cần cho con tham gia vào việc trao đổi kế hoạch chi tiêu, mua bán đồ dùng hàng ngày cũng như các món đồ lớn trong gia đình. Điều này sẽ giúp con hiểu các khái niệm về tiền, cách chi tiêu hợp lý, đồng thời có thêm cơ hội để gắn bó với con.
Hãy cùng con cân nhắc lý do, hậu quả khi quyết định “mua cái này”, “không mua cái kia” thay vì trả lời qua loa. Việc bố mẹ giải thích cặn kẽ, tranh luận cùng nhau… sẽ hình thành cho con kỹ năng đưa ra quyết định tài chính, cân nhắc giá trị hàng hóa và phát triển trí tuệ cảm xúc. 
Nguồn: Yeutretho


Con chưa ngoan, nhưng con thật tuyệt vời!

 Con gái 9 tuổi của tôi chưa bao giờ ngoan theo cách mọi người nghĩ, nhưng cũng như hầu hết trẻ em khác, con tuyệt vời theo cách riêng, không lẫn vào đâu được!


Mỗi đứa trẻ đều tuyệt vời theo cách riêng. Ảnh minh họa: Siêu mẫu nhí Nguyễn Khánh Linh

“Em là một cô bé ngoan” – đó là lời khen tặng mà thầy Hiệu trưởng đáng kính Kobayashi luôn nói với Tốt tô chan, nhân vật chính trong tập hồi ký “Tốt tô chan – cô bé bên cửa sổ”. Tôi rất nhớ nhân vật đáng yêu này, cô bé ấy không ngoan theo cách thông thường, nhưng vô cùng linh hoạt, nghịch ngợm và chân thành. 
Và tôi biết, hầu hết trẻ em cũng đều như thế, các bé tuyệt vời theo cách rất riêng, không lẫn vào đâu được.
Tình yêu có điều kiện

Mọi người vẫn gọi tình yêu của bố mẹ dành cho con cái là “Tình yêu vô điều kiện”, nhưng tôi thấy chưa hẳn vậy.
Rất nhiều bố mẹ vẫn nói:
- ,Con phải ngoan nhé, không thì mẹ sẽ không yêu đâu.
- Con phải cố học giỏi nhé, không thì mẹ sẽ không yêu đâu.
- Con đừng nghịch nhé, không thì mẹ sẽ không yêu đâu.
Dù có thể là câu nói do quen miệng nhưng đằng sau cũng thấp thoáng nhiều “điều kiện” để trẻ biết mình chỉ được yêu khi ngoan, học giỏi, và không nghịch ngợm. 
Nhưng các bé thì khác, dù bố mẹ nghèo, không thành đạt, thâm chí tù tội, bị cả thế giới khinh ghét thì chúng vẫn mong được nằm trong vòng tay đấng sinh thành.
Ngày nhỏ, tôi có một cậu em họ bằng tuổi, ở ngay sát vách. Bố mẹ V thường chì chiết, chửi bới và đánh nhau như cơm bữa. Hai người cắn xé nhau, rồi trút giận lên cả các con.  V lúc ấy có biệt hiệu là “nguy hiểm chết người”, vì em gầy lắm, cái mặt cứ dô ra toàn xương với xẩu, vậy mà chẳng ngày nào là không phải “ăn” đòn. Bố đánh V bằng cán chổi, bằng gậy, bằng bóng đèn tuýt và bất cứ cái gì nhìn thấy. Mẹ tát V thẳng tay, mạnh và hằn học đến nỗi máu mũi, máu mồm văng xuống sách vở, văng xuống tận nền nhà.
Hơn hai mươi năm rồi, dù bây giờ chứng kiến V vào tù ra tội, nghiện ngập và hư hỏng, nhưng khi nhớ đến em, trước mắt tôi chỉ hiện ra khung cảnh của chiều hôm ấy…một cậu bé gầy gò, xanh xao đang cố nâng mái đầu bù xù, nồng nặc hơi rượu của bố lên để đặt lên chiếc gối mềm, ấm áp và đầy yêu thương.
Trong kí ức của mình, tôi nhớ là chưa bao giờ thấy V được bố mẹ âu yếm, chăm sóc hay thậm chí là nói chuyện mà không gắt gỏng, sừng sộ. Có lần, sau khi bị bố đánh, V khóc và rủ tôi bỏ nhà ra đi.Lúc ấy V bảo ghét bố mẹ và lớn lên sẽ trả thù cho xem, tôi cũng nghĩ là em hoàn toàn có thể làm vậy.
Nhưng một lần, khi sang rủ V ra đường chơi,  tôi thấy em đang nhẹ nhàng luồn một cái gối xuống gáy ông bố mê mệt vì say rươu. Cử chỉ của em lúc đó thật nhẹ nhàng, khéo léo và trần đầy tình yêu. Có lẽ chỉ khi bố ngủ, V mới có cơ hội thể hiện những cử chỉ chăm sóc thân thương. 


Cảm ơn con đã là cô bé ngoan của mẹ - dù con không ngoan theo cách mọi người nghĩ. Ảnh minh họa: Siêu mẫu nhí Trần Hà Vy Anh

Con chưa bao giờ ngoan như cách mọi người nghĩ 

Con gái  9 tuổi của tôi cũng chưa bao giờ ngoan theo cách nhiều người nghĩ 
- Con thường quên chào người lớn và không mấy khi mời cả nhà ăn cơm trước khi nhai rau ráu phần của mình.
- Con thường bị cô giáo phê bình vì nói chuyện, làm việc riêng hay lơ đễnh trong lớp học.
- Con đấm một bạn trai chẩy máu mũi và hay bỏ ra ngoài trong giờ sinh hoạt lớp
Nhưng mẹ vẫn biết con là một cô bé tuyệt vời!
- Vì con sẵn sàng thức đến 3 giờ sáng trông em khi mẹ đi công tác
- Vì con là người duy nhất trong lớp ở lại khi thấy một ban có chuyện buồn
- Vì dù phải đi gần 20 cây số để đến trường trong một ngày có bão, lạnh ngắt và ướt rượt, thì khi mẹ hỏi: “con có mệt không?”, con vẫn trả lời rằng: “Con thấy vô cùng sảng khoái”.

 Tình yêu của con thay đổi cha mẹ 

Precotxi, con trai bác thợ khóa lại là nhân vật tôi nhớ nhất trong tập truyện “Những tấm lòng cao cả”.  Đó là một cậu bé đáng thương, đáng yêu, và vô cùng cao cả. 
Cậu bé đáng thương bởi luôn bị ông bố nghiện rượu đánh đập, hành hạ nhưng vẫn một mực nói rằng: “Không, bố tôi rất yêu tôi, bố không bao giờ đánh tôi cả”.
 Cậu bé đáng yêu bởi vẫn luôn tin tưởng và trần đầy tình yêu thương, lạc quan. Dù bố không cho đến trường và luôn xé nát sách vở, cậu vẫn cố gắng học hành và đạt huân chương nhì lớp.
 Và đó là một cậu bé vô cùng cao cả, bởi vì từ sự quả cảm, niềm tin của bản thân, cậu đã thay đổi được bố mình, để cho ông thấy còn rất nhiều người tốt, rất nhiều việc tốt mà con người có thể hi vọng. Thế là từ đôi mắt lúc nào cũng đỏ ngầu, lờ đờ vì say rượu, bác thợ khóa, bố của Precotxi, đã thay đổi hẳn tâm tính, luôn ôm con, giữ con làm việc bên mình với nụ cười thường trực trên môi.
 Vâng, đó chỉ là một nhân vật trong truyện, nhưng câu chuyện nào chả bắt nguồn từ đời sống thực?

Những thiên thần là trẻ em 
Tôi thấy mọi người hay so sánh “Trẻ em là những thiên thần”, nhưng có lẽ, ở đâu đó, trên rất cao và nơi có những thiên thần, thượng đế vẫn gật gù và nói rằng:
 “ Những thiên thần là trẻ em”.


Nguồn: Yeutretho