RSS

Những trò chơi gợi nhớ tuổi thơ

Khi chưa có những thiết bị công nghệ cao như smartphone, ipad, máy game, máy tính thì những đứa trẻ luôn chạy đùa rộn vang tiếng cười ngoài sân hay trong những khu vườn cây rợp mát. Thú tiêu khiển của chúng chính là những trò chơi dân gian bình dị, đơn giản nhưng vẫn phát huy khả năng tư duy, sự khéo léo và kỹ năng sống. Ngày nay, những trò chơi đó đã bị mai một, chỉ còn lại trong ký ức, hay qua những câu chuyện kể.



Thả diều
Hình ảnh những cánh diều bay lượn giữa bầu trời xanh lộng gió đã in sâu trong ký ức tuổi thơ của biết bao đứa trẻ được sinh ra và lớn lên ở các vùng quê. Còn gì vui bằng những buổi chiều, gối đầu lên đống rơm, dưới tán cây hay chạy rong ruổi trên những con đường đồng và ngắm nhìn những cánh diều vi vu trong gió. Những cánh diều to bằng cái quạt, có chiếc to bằng phân nửa cái phản như đang chở những ước mơ của tuổi thơ ngày ấy. Chẳng thế mà cánh diều bay cao trong những chiều lộng gió đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của biết bao nghệ sĩ.

Không giống như những chiếc diều sặc sỡ màu sắc được bày bán ngoài chợ ngày nay, thời xưa, hầu hết diều đều được bọn trẻ tự làm với những tờ giấy báo, thậm chí còn lấy những quyển vở cũ để làm. Dây thả diều làm bằng chỉ tơ, hoặc dây có độ dai cao. Thú vui thả diều giờ không hoàn toàn biến mất, nhưng hình dáng của những chiếc diều cũng đã thay đổi. Không còn là diều tự làm nữa mà được mua sẵn ngoài thị trường và phần nhiều trong số đó là hàng Trung Quốc sặc sỡ sắc màu. So với những con diều do chính tay mình tự làm ra, khi thả những chiếc diều sặc sỡ, mua sẵn, sự thú vị cũng đã giảm đi ít nhiều.
Đánh quay

Trò chơi thường được đám con trai ưa chuộng là trò đánh quay. Chơi đánh quay cần phải có 2 – 3 đứa mới vui. Đồ chơi rất đơn giản, chỉ là một con quay bằng gỗ hay sừng hình nón cụt, có chân bằng sắt và dùng một sợi dây quấn từ dưới lên, rồi cầm một đầu dây thả thật mạnh cho quay tít. Con của ai quay lâu nhất, người đó được. Nhiều đứa con trai đã vô cùng hoan hỉ khi sưu tập được hàng chục con quay, không phải do bố mẹ mua cho mà từ những chiến thắng trong các trận đấu quay. Để có được sức bền thì người thả quay phải thật khéo léo biết giữ đúng trọng tâm, giật giây thật mạnh và dứt khoát và quan trong hơn là cách căn thời điểm cũng như vị trí thả quay. Chẳng thế mà đã có người nói chơi quay là cả một nghệ thuật. Giờ cù quay không còn được lũ trẻ biết đến song nó vẫn còn hiện diện trong những trò chơi biến tấu và đắt tiền như Tosy, Ninjago… Và cũng hiếm dần những tiếng cười của đám trẻ giữa khoảnh sân rợp bóng cây.

Bắn bi
Bắn bi cũng là một trong những trò chơi khiến nhiều cậu bé thời ấy mê mẩn, thậm chí nhiều bạn nữ cũng thích thú chẳng kém. Chẳng thế mà thời xưa, đứa nào cũng có một bộ sưu tập các loại bi đủ màu sắc. Chỉ cần 10 – 15 phút ra chơi là các cậu học sinh cũng kịp chơi vài ván bắn bi. Công cụ để chơi rất đơn giản, chỉ là những viên bi hình cầu có đường kính khoảng 0,5 cm đến hơn 1 cm. Bi có thể làm từ đất nung, gạch, đá hoặc thủy tinh. Trò chơi này giúp lũ trẻ gắn kết với nhau và có thói quen sinh hoạt tập thể, cũng như khả năng khéo léo của đôi tay.

Trong khi các bạn nam bị thu hút bởi các trò đánh quay, bắn bi, thả diều thì các bạn nữ lại đặc biệt “kết” trò nhảy dây và chơi chuyền.
Nhảy dây
Nhảy dây có nhiều kiểu, tuy nhiên nó được phân ra làm 2 loại theo dụng cụ được sử dụng là nhảy dây thừng và dây chun. Nhảy dây thừng rất đơn giản, chỉ cần 1 sợi dây thừng đủ dài và 2 người đứng cố định ở 2 đầu dây để quăng lên là có thể chơi. Nhưng nhảy dây chun thì không phải bé nào cũng chơi được. Nó đòi hỏi người chơi phải có sức bật cao, sự khéo léo và cả kỹ thuật mới có thể chơi được lâu và lên bậc cao hơn.

Chơi chuyền

Chơi chuyền có lẽ là trò chơi khiến nhiều bạn đam mê hơn cả. Dù ở lớp học hay ở nhà, từng nhóm lũ trẻ lau nhau ngồi túm tụm lại với nhau dải từng que chuyền lên chân hay xuống đất mà chơi. Que chuyền thường được làm bằng những cành tre hay cành trúc nhỏ, thằng. Thậm chí có nhiều bạn mê tít đến nỗi mang cả đũa nhà ăn cơm ra chơi, chơi xong lại bỏ vào ống. Còn quả chuyền thường được làm bằng quả bưởi, cam nhỏ hay quả cà… được tung lên, hạ xuống nhịp ngành theo tiếng bài thơ vần và tiếng cười lanh lảnh đến giờ vẫn còn in đậm trong ký ức nhiều người.
Ô ăn quan
Ô ăn quan là một trò chơi quen thuộc của hầu hết trẻ em Việt Nam. Chỉ với một bãi đất nhỏ, với những viên đá sỏi, ô ăn quan đã trở thành một trò chơi chiến thuật lý thú đối với các bạn nữ. Không đơn giản như những trò chơi khác, ô ăn quan đòi hỏi người chơi phải sử dụng trí tuệ nhiều hơn để nghĩ ra cách đi thông minh nhất có thể giành được nhiều quân hơn đối phương. Nhiều bạn còn lấy những chiếc bát vỡ, đập ra thành những mảnh nhỏ để chơi tạo ra những tiếng lách cách nghe rất vui tai.


Ngày nay…

Cuộc sống hiện đại đem đến cho con người khá nhiều tiện ích và trẻ con ngày nay không còn nhiều không gian rộng rãi để chơi những trò chơi như bố mẹ hay anh chị ngày xưa. Việc các bé được tiếp cận với điện thoại và máy tính quá sớm dẫn đến thực trạng nghiện game online (trò chơi trực tuyến trên mạng internet) ở trẻ em và vị thành niên ngày càng gia tăng. Vì thế các bậc phụ huynh cần tạo ra cho các bé, ngay từ sớm, một không gian vui chơi an toàn bổ ích, giúp các bé tránh xa tivi và trò chơi điện tử. Những đồ chơi nấu bếp, những bộ đồ sửa chữa, trò chơi làm bác sĩ hay đơn giản hơn chỉ là mấy miếng ghép hình...đều là những đồ chơi làm giàu thêm trí tưởng tượng và sự sáng tạo của con trẻ. Đừng để các bé sống quá sớm và quá lâu trong thế giới ảo mà hãy hướng cho bé sống thật với tuổi thơ của chính mình.

P/s: các bố, mẹ có thể tham khảo đồ chơi trẻ em thông minh, an toàn tại Babycuatoi.vn
Tôi yêu BABY CỦA TÔI.

3 nhận xét:

Unknown nói...

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

Unknown nói...

Còn đâu nữa những ngày ấy. Trẻ con bây giờ sống khác lắm rồi... :(

Unknown nói...

hehe, từng có 1 thời ngày nào cũng theo các anh hàng xóm đi thả diều ngoài bãi ruộng :)

Đăng nhận xét